Tháng 5 về trên quê hương Bác

Uyên Nhi - 05/15/2021, 14:03 | Du Lịch
FB Like & Share
Tháng 5 về trên quê hương Bác

Kim Liên - chữ Hán nghĩa là “sen vàng”. Đúng vậy, trên con đường về với làng quê thân thương ấy, du khách được ngắm những hồ sen hoa đang đua nở, tỏa hương thơm tinh khiết, mộc mạc, giản dị mà cao quý, như nét đẹp trong tâm hồn và con người của Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ngay trong khuôn viên UBND xã Kim Liên cũng có hồ sen rất lớn. Lại có nhiều hồ sen trong và xung quanh nhà quê nội, quê ngoại Bác Hồ. Hồ bán nguyệt trước đền Chung Sơn thờ gia tiên Bác cũng trồng toàn Sen hồng.

Về Kim Liên, du khách còn được đến với không gian một làng Việt cổ bình yên, thôn dã, nơi có mái nhà tranh đơn sơ, phía trước trồng hoa mẫu đơn và thạch lựu, một cây bưởi trước sân, cây chanh, cây cam đầu hồi và hàng cau đẹp phía sau nhà... Nhà Bác đấy, góp phần tạo nên một Bức tranh quê hết sức dung dị mà từ lâu đã lắng đọng trong trái tim triệu triệu người con đất Việt…

Khu Di tích Kim Liên nằm trên địa bàn 2 xã: Kim Liên và Nam Giang, huyện Nam Đàn, có diện tích rộng hơn 205 ha với nhiều điểm di tích, cụm di tích. Trong đó nổi bật là cụm di tích Hoàng Trù - quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm di tích Làng Sen - quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu mộ cụ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu Di tích không chỉ là điểm nhấn của du lịch Nghệ An mà còn là “địa chỉ đỏ” của du khách khi đến thăm mảnh đất có nhiều điều đặc biệt này. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa, lịch sử; lưu giữ ký ức về quê hương, gia đình, những năm tháng ấu thơ và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu.

Tháng 5 về trên quê hương Bác

Nhà Bác ở Làng Hoàng Trù quê ngoại

Ở Làng Hoàng Trù, quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm Di tích Hoàng Trù có diện tích khoảng 3.500 m2, gồm: nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Đường, ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới khi 5 tuổi. Gian ngoài có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá đựng sách. Tại gian nhà này, cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với cụ Nguyễn Sinh Sắc về văn chương, chữ nghĩa, về thế sự ở đời. Đặc biệt ở gian thứ ba, có chiếc khung cửi mà cụ Hoàng Thị Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống gia đình. Ngôi nhà vẫn còn lưu giữ chiếc võng gai, nơi lúc nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm nghe tiếng ru của mẹ và nghe những câu chuyện cổ tích của bà ngoại… Cách làng Hoàng Trù khoảng 2km là Làng Sen, nơi gắn bó với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫu đã qua cả thế kỷ, nhưng những hình ảnh xưa cũ của Làng Sen vẫn được gìn giữ đến bây giờ. Đặc biệt là ngôi nhà 5 gian lợp mái tranh đơn sơ, giản dị, nằm ẩn mình dưới hàng tre xanh mát của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà gắn bó với thuở thiếu thời của Bác, từ năm 1901-1906, sau khi cha của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng tại khoa thi hội, đã cùng các con rời Làng Chùa (Hoàng Trù) về đây sinh sống. Ngôi nhà đơn sơ nhưng ấm áp tình cảm gia đình này đã chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần được tiếp xúc với các bậc sĩ phu, nhà nho yêu nước, từ đó sớm hình thành tư tưởng yêu nước, thương nòi…

Thăm quê Bác ở Kim Liên, không chỉ được hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần cách mạng của Người, mà ta còn hiểu hơn về cuộc sống giản dị đã hun đúc nên một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam và thế giới. Về quê Bác cũng là về với cội nguồn văn hóa tâm linh của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa ở xứ Nghệ. Thế nên, hàng năm, nhất là dịp 19/5 sinh nhật Bác, hàng triệu người cả trong và ngoài nước đã hành hương về đây với lòng thành kính và ước nguyện được hiểu và cảm nhận nhiều hơn về con người Bác, gia đình, quê hương Bác và một giai đoạn lịch sử của dân tộc còn trong đêm đen nô lệ.

Tháng 5 về trên quê hương Bác

Nhà Bác ở Làng Sen quê nội

Xã Kim Liên nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung, trong những năm qua đã có rất nhiều thay đổi, phát triển vững chắc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện và của đồng bào, đồng chí khắp mọi miền đất nước… Nam Đàn là một trong 4 huyện gồm: Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Xuân Lộc (Đồng Nai) và Nam Đàn (Nghệ An) được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nhằm đúc rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn sau năm 2020. Trong hành trình ấy, xã Kim Liên không ngừng vươn lên hướng tới trở thành một NTM kiểu mẫu. Ở đó có những khu vườn kiểu mẫu, những con đường quê đầy hoa khoe sắc và sáng ánh điện lung linh hàng đêm. Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan, Kim Liên tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo thêm giá trị và thu nhập cho người dân… Kim Liên có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao do Hợp tác xã Kim Liên 2 và Hợp tác xã Sen quê Bác liên kết sản xuất sản phẩm gạo Làng Sen; 2 mô hình trồng rau củ quả trong nhà màng; 1 mô hình ươm giống hoa cây cảnh các loại; 1 mô hình trồng Sen và sản xuất các sản phẩm từ Sen. Toàn xã hiện có 75 khu vườn mẫu, gần 60 trang trại, gia trại. Xã cũng đặc biệt chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ như thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sen quê Bác để tạo ra đặc trưng riêng của Kim Liên; phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương gồm sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ... nhằm nâng cao đời sống của người dân trên quê Bác.

Tháng 5 về trên quê hương Bác Kim Liên, Nam Đàn là về với những cảm xúc đằm thắm, thiết tha, tự hào, xúc động sẽ còn mãi trong lòng mỗi chúng ta.