Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam

Vũ Mai Hoàng, Lưu Lan Hương, Ngô Phương Thảo, Nghĩa Nam, Võ Hoàng - 06/28/2021, 20:46 | Văn Hóa
FB Like & Share
Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam

 

Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam

“Vũ điệu rửa tay” với nền nhạc Ghen Cô Vy thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Kết tinh, tỏa sáng ở những thời điểm khó khăn

PGS, TS Bùi Hoài Sơn

Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Chúng ta đang trải qua những năm tháng không thể nào quên khi đánh dấu năm Covid-19 thứ hai với những lo lắng chưa dứt về bệnh tật, kinh tế và đặc biệt là yếu tố tinh thần. Tuy nhiên, sự khó khăn do bệnh dịch gây ra, một lần nữa, đang chứng minh sức mạnh kỳ diệu của văn hóa Việt Nam, mà nhờ sức mạnh đó, dân tộc của chúng ta trường tồn đến ngày hôm nay.

Chính văn hóa, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam đã giúp chúng ta gặp thuận lợi trong việc chung tay chống dịch, cụ thể nhất là việc xây dựng Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 quy mô quốc gia. Từ đó, đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 trở thành một hành động yêu nước.

Chúng ta vẫn được nhắc đi, nhắc lại rằng, còn văn hóa là còn đất nước, mất văn hóa là mất tất cả! Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, những giá trị quan trọng của người Việt Nam như yêu nước, đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái... đã trở nên phổ quát và trở thành định hướng sống cho nhân dân. Những câu tục ngữ, ca dao như Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Lá lành đùm lá rách; Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao;... chính là sự cụ thể hóa khiến cho những triết lý sống của người Việt trở nên dễ hiểu, dễ thực hành hơn.

Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy sức mạnh của lòng yêu nước và đoàn kết. Từ những hệ thống đê điều của cha ông cho đến giờ chúng ta vẫn phải thán phục về sự kỳ vĩ, khối lượng đồ sộ mà nếu thiếu sự kiên trì, quyết tâm, đồng lòng khó có thể có được; hình tượng Hùng Vương, Ðức Thánh Trần trở thành những cột mốc chủ quyền văn hóa chỉ có thể có được từ ý thức về quốc gia - dân tộc. Sức mạnh của sự đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ khó khăn đã giúp chúng ta thực hiện thành công nhiều việc khó khăn. Ở góc nhìn này, có thể lý giải vì sao Quỹ Vaccine quyên góp được hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong thời gian rất ngắn. Nhiều tấm gương của các cụ già, em bé góp tiền cho Quỹ đã minh chứng cho nghĩa cử, giá trị Việt Nam.

Giá trị văn hóa Việt Nam còn được thể hiện qua đóng góp của con người cụ thể, đặc biệt là các văn nghệ sĩ. Bác Hồ đã từng căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Trong khó khăn của thời kỳ dịch bệnh, nhiều văn nghệ sĩ đã chuyển tải những thông điệp tích cực của cuộc sống để người dân có một đời sống tinh thần tốt hơn trong đối phó với dịch bệnh. Những sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật từ Ghen Cô Vy, Việt Nam ơi! Ðánh bay Covid, Chung tay phòng, chống Corona, Khúc hát đôi bàn tay, hay những chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng... và đặc biệt là hình ảnh của các nghệ sĩ, bằng uy tín của mình, đã đứng ra quyên góp cho Quỹ Vaccine, cùng cả nước chống dịch đã thể hiện sức mạnh của văn hóa trong giai đoạn khó khăn. 

Nói về Quỹ Vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là “Quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim” hay như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 là sự chắt chiu của người dân, là truyền thống nhân ái của dân tộc”. Rõ ràng, đây không phải là một hiện tượng cá biệt, mà chắc chắn phải là những giá trị văn hóa dân tộc được kết tinh và tỏa sáng trong những thời điểm quan trọng của đất nước.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), một trong những đột phá phát triển văn hóa là “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế, đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”. Còn như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi là Thủ tướng đã từng khẳng định: “Chúng ta đều biết, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế (mặc dù điều này rất quan trọng), mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh”. Chính vì thế, tập trung cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam là cách chúng ta phát triển đất nước bền vững, từ đó lan tỏa thành những hành động yêu nước cụ thể.

Quỹ Vaccine, một lần nữa, là minh chứng rõ ràng cho những giá trị văn hóa, con người Việt Nam trở thành động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Tư cách của “công dân doanh nghiệp”

Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group

Wayne Visser, tác giả cuốn Towards Transformative Business, cho rằng hoạt động xã hội của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch qua năm giai đoạn. Giai đoạn một, thời đại của lòng tham, người ta cho đi một phần của cải cốt để bảo vệ tài sản của chính mình. Giai đoạn hai, thời đại của lòng thiện lương, những người kinh doanh thành công thương cảm với những người yếm thế hoặc cảm thấy có trách nhiệm với những dấu tích tàn phá do hoạt động khai thác kinh doanh mà bỏ một phần thu nhập của mình để làm từ thiện hoặc đền bù cho những tổn thất môi trường do mình tạo ra. Giai đoạn thứ ba, thời đại của marketing, khi mà trách nhiệm xã hội là một yêu cầu mang tính nhân văn và là điều kiện làm ăn giữa các doanh nghiệp có trách nhiệm toàn cầu, các doanh nghiệp xây dựng các chiến dịch trách nhiệm xã hội (CSR) để quảng bá thương hiệu của mình, để gây thiện cảm với xã hội. Giai đoạn thứ tư, thời đại của quản trị, CSR là một phần của chiến lược kinh doanh và vận hành doanh nghiệp, nó thu hút nhân lực bằng một môi trường làm việc lành mạnh, phát triển chuỗi giá trị bằng nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ những thị trường đang nổi, và nuôi dưỡng một xã hội ổn định, tiến bộ vì sự phát triển chung.

Ở giai đoạn thứ năm, Wayne Visser gọi là thời đại của trách nhiệm, khi mà các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Từ giai đoạn một đến bốn, ông gọi là CSR1.0, phương thức làm trách nhiệm xã hội một cách truyền thống. Khi doanh nghiệp phát triển đến giai đoạn thứ năm thì được gọi là CSR2.0, doanh nghiệp gắn tương lai của mình với tương lai của cộng đồng, của xã hội, của môi trường Trái đất nơi họ thuộc về, với tư cách là một công dân doanh nghiệp (corporate citizen) có trách nhiệm.

Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi cuộc chiến tranh kỳ lạ nhất, khốc liệt nhất, chống Covid-19 nếu có đủ vaccine để đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng. Sự hồi phục, rồi phát triển của bất cứ một doanh nghiệp nào cũng nằm trong tổng thể sự phục hồi của cả quốc gia, nếu không nói là của toàn thế giới. Mối đe doạ của SARS-CoV-2 là thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay, và là bài toán của tất cả các doanh nghiệp thể hiện vai trò trách nhiệm của mình với toàn xã hội. Ðó chính là lý giải của sự tham gia tự nguyện, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng của rất nhiều doanh nghiệp cho công cuộc phòng, chống Covid-19, đặc biệt là cho Quỹ vaccine của Chính phủ, nhất là các doanh nghiệp đang ở hoặc bắt đầu bước vào giai đoạn CSR2.0.

Thật may, trong những tình thế gian nan, người Việt Nam chúng ta thường biết đoàn kết, vượt qua những nghịch cảnh và thách thức lớn. Và may mắn hơn nữa, chúng ta có nhiều doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội ở mức độ cao nhất, gắn liền sứ mệnh phát triển của họ với sự tồn vong của đất nước.

Trách nhiệm, nghĩa vụ và vinh dự

Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup

Ngay khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, chúng tôi đã chủ động liên hệ Bộ Y tế để có thể kịp thời hỗ trợ trong khả năng như tham gia test nhanh Covid, góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm của nhiều tỉnh, thành phố; tài trợ một phần kinh phí mua các trang thiết bị và vật tư, vật phẩm cần thiết cho Bộ Y tế và các địa phương…

Bên cạnh các đóng góp trên, Vingroup cũng chủ động tận dụng năng lực sẵn có để có thể đóng góp được nhiều hơn cho công tác phòng, chống Covid-19. Ðiển hình là việc tổ chức nghiên cứu, hợp tác và sản xuất thành công máy thở VFS-410, VFS-510 trao tặng Bộ Y tế, các địa phương và một số nước bạn năm 2020. Hiện tại, chúng tôi nỗ lực đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để sớm đi vào sản xuất, góp phần bảo đảm khả năng tự chủ nguồn vaccine phòng Covid -19 cho đất nước.

Tổng giá trị các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Vingroup đến nay đã lên đến 2.287 tỷ đồng; và sẽ còn tăng lên nữa cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Với Vingroup - việc chung vai gánh vác cùng cộng đồng là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là vinh dự!

“Ðồng lòng Việt Nam” tại Liên bang Nga

Thanh Thể - Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Liên bang Nga

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19, Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga triển khai dự án “Ðồng lòng Việt Nam”, dự kiến diễn ra đến cuối tháng 8, nhằm quyên góp tiền từ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Liên bang Nga để trực tiếp mua vaccine do Liên bang Nga sản xuất và chuyển cho Bộ Y tế Việt Nam, ủng hộ Quỹ Vaccine quốc gia.

Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga Ðỗ Xuân Hoàng cho biết: “Dự án nhận được sự tham gia nhiệt tình đóng góp của người Việt Nam trên toàn Liên bang Nga, thể hiện sự đồng tâm của cộng đồng và sức mạnh của truyền thống tương thân tương ái. Sự đóng góp của mỗi người, dù nhỏ nhất, đều được trân trọng, là nguồn động viên tinh thần quý giá, giúp tăng cường sức mạnh của khối thống nhất dân tộc”. 

Tích hợp và nhân lên sự ủng hộ

Nguyễn Xuân Trường - Phó Trưởng ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực miền bắc

Ngay khi Chính phủ phát động chương trình gây Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, tất cả thành viên trong Mạng lưới Tình nguyện đều rất hào hứng. Từ thực tế hoạt động bấy lâu nay, chúng tôi cảm nhận rõ rằng, đoàn kết chính là sức mạnh, tích tiểu rồi sẽ thành đại. Với đối tượng học sinh, sinh viên nghèo, ủng hộ 10, 20 nghìn đồng cũng là quý. Chúng tôi sẽ vận động các câu lạc bộ, hội, nhóm thành viên của Mạng lưới trích một khoản từ ngân sách hoạt động để ủng hộ cho Quỹ Vaccine. Ðồng thời, mỗi cá nhân thành viên cũng sẽ kêu gọi gia đình, bạn bè tự chủ động nhắn tin ủng hộ Quỹ.

Thêm nữa, các chương trình của Mạng lưới chủ yếu triển khai hoạt động hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các tỉnh đang là vùng dịch gặp khó khăn. Trong quá trình huy động sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm, chúng tôi sẽ giải trình với nhà hảo tâm để trích một phần từ nguồn hỗ trợ này ủng hộ thêm cho Quỹ Vaccine.