Vì sao nhiều chợ truyền thống ở TPHCM chưa sẵn sàng mở cửa trở lại?

Tri Thức Trẻ - 07/17/2021, 21:36 | Đời Sống
FB Like & Share
Vì sao nhiều chợ truyền thống ở TPHCM chưa sẵn sàng mở cửa trở lại?

Băn khoăn

Tính đến ngày 17/7, TPHCM chỉ còn 46/234 chợ truyền thống hoạt động, trong khi đó năng lực cung ứng của chợ truyền thống chiếm đến 60 - 70%. Vì vậy, khi các chợ truyền thống dừng hoạt động, các hệ thống mua sắm đã đẩy công suất hàng lên tối đa nhưng vẫn không đủ năng lực cung ứng, dẫn đến việc người dân xếp hàng dài chờ mua hàng.

Do đó, Thành phố đã lên phương án để mở cửa chợ truyền thống trở lại song song với 3 chợ đầu mối. Tuy nhiên, nếu mở cửa trở lại, chợ truyền thống sẽ không mở cửa toàn bộ mà chỉ ưu tiên bán các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở lựa chọn một số tiểu thương.

Vì sao nhiều chợ truyền thống ở TPHCM chưa sẵn sàng mở cửa trở lại? ảnh 1

Các quầy hàng thực phẩm tại chợ Nguyễn Tri Phương luôn đông khách trong thời gian giãn cách.

Cụ thể, kế hoạch mở lại chợ dân sinh của Sở Công thương là mỗi chợ chỉ chọn từ 2 - 10 tiểu thương có đủ năng lực cung cấp 2 mặt hàng thiết yếu là cá, thịt và rau, củ, quả. Tiểu thương sẽ chia hàng hóa nhỏ trong từng túi, đồng giá, người dân chỉ việc đến lấy túi hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, người dân sẽ được phát phiếu đi chợ, đảm bảo yêu cầu giãn cách, không tập trung tại một quầy hàng.

Tuy nhiên, đại diện ban quản lý (BQL) một số chợ cho biết hiện vẫn chưa thể triển khai chợ theo phương án trên. Ông Thái Bình Sơn – Trưởng BQL chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM) cho rằng, tổng số sạp thịt, cá, rau củ, quả tại chợ khoảng hơn 200 sạp; trong đó riêng sạp rau củ có hơn 80 sạp. Nếu bố trí hoạt chợ cho 2-10 tiểu thương bán luân phiên thì với hơn 200 tiểu thương, họ phải chờ rất lâu mới tới lượt.

“Nhưng với số lượng hàng chục sạp được mở bán thì BQL cũng lo khó đảm bảo việc phòng chống dịch COVID-19 khi lượng khách chuyển từ siêu thị, cửa hàng qua chợ. Vì vậy phải chờ ý kiến quận đánh giá tình hình xung quanh khu vực chợ; nếu triển khai vội vàng khó đảm bảo an toàn phòng chống dịch” - ông Sơn nói.

Vì sao nhiều chợ truyền thống ở TPHCM chưa sẵn sàng mở cửa trở lại? ảnh 2

TPHCM muốn mở lại chợ dân sinh để "chia lửa" với siêu thị

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sinh – Trưởng BQL chợ Xã Tây (Q.5, TPHCM), BQL đang xây dựng kế hoạch cụ thể về cách bố trí sạp, phục vụ đối tượng khách hàng địa phương hay khách vãn lai...trình quận duyệt mới triển khai được. “Theo kế hoạch, khách hàng phải trình thẻ căn cước hoặc CMND thể hiện sống ở hai phường giáp ranh chợ mới được vào. Chợ không phục vụ khách quận 8, quận 10 gần đây vì khó kiểm soát dịch và sai quy định chỉ thị 16.

Ông Sinh cho biết nếu chợ được mở lại thì sẽ không tổ chức bán trong nhà lồng chợ, chỉ tận dụng diện tích xung quanh bố trí sạp, vẫn đảm bảo 2 sạp cách nhau 4 m và có thể sắp xếp được 30 sạp bán luân phiên, chứ 10 sạp thì quá ít và nên cho bán cả thịt, thủy hải sản, gia vị, thực phẩm khô... chứ không nên hạn chế chỉ cho bán rau củ để phục vụ đủ nhu cầu mua thực phẩm thiết yếu.

Thêm điểm tập kết nông sản

Ngày 17/7, Sở Công thương TPHCM đã chấp thuận phương án bố trí thêm một điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để đảm bảo điều tiết, lưu thông hàng hóa thông suốt; đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố, Sở đã thống nhất phương án bố trí địa điểm và chuẩn bị điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa của chợ đầu mối Hóc Môn.

Vì sao nhiều chợ truyền thống ở TPHCM chưa sẵn sàng mở cửa trở lại? ảnh 3

TPHCM thống nhất phương án bố trí địa điểm và chuẩn bị điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa của chợ đầu mối Hóc Môn.

Phương án này đảm bảo địa điểm bố trí, tổ chức phân luồng giao thông; các điều kiện kiểm soát dịch bệnh đảm bảo âm tính đối với người ra vào điểm trung chuyển; thời gian triển khai và có bố trí nơi ăn, ở, vệ sinh cho người lao động tại điểm trung chuyển theo khu vực riêng cho các đối tượng khác nhau đảm bảo phương án “3 tại chỗ” và quy định 5K của Bộ Y tế, các biện pháp an toàn trong phòng chống dịch COVID-19...; phun khử trùng phương tiện vận chuyển và vệ sinh toàn bộ khu vực sau khi tập kết; các phương tiện ra vào phải đảm bảo việc phân luồng, tổ chức lưu thông theo quy định. Tuyệt đối không giải quyết bán lẻ hàng hóa.

Trong giai đoạn thí điểm, dự kiến chợ đầu mối Hóc Môn sẽ trung chuyển 150 tấn hàng/ngày, nếu hiệu quả sẽ tăng dần quy mô để đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho người dân TPHCM.

Như vậy, sau khi điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ đầu mối Thủ Đức đưa vào hoạt động nhiều ngày qua, đến nay cơ quan chức năng đề nghị thực hiện mô hình này tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Theo Sở Công thương TPHCM, dù hệ thống bán lẻ hiện đại đã tăng nguồn cung hàng hóa lên gấp 3 lần bình thường nhưng việc cung ứng thực phẩm cho Thành phố vẫn gặp khó do 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn tạm ngưng hoạt động. Hiện Thành phố đang thiếu khoảng 1.000 tấn rau củ quả mỗi ngày.

Siêu thị thí điểm bán thực phẩm theo combo cho người dân khu vực phong tỏa

Ngày 17/7, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market cho hay, đang triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ đặt hàng thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly y tế và phong tỏa theo những combo được chuẩn bị sẵn nhằm khắc phục phần nào tình trạng quá tải đối với việc xử lý đơn hàng online, nhanh chóng đưa hàng hóa thực phẩm đến tận tay khách hàng.

MM Mega Market bước đầu thiết kế combo có thể sử dụng cho gia đình khoảng 4 người trong vòng 5-7 ngày. Người dân trong khu vực phong tỏa và cách ly y tế có thể đặt hàng thông qua Email, Zalo, Facebook hoặc gọi trực tiếp vào số điện thoại Hotline 1800 799 998. Siêu thị cam kết giữ ổn định giá tất cả combo trong thời gian từ đây đến cuối tháng 7; đồng thời miễn phí giao hàng trong bán kính 10km khi mua từ 2 combo bất kỳ (trừ combo Rau gia vị).